Cây Sầu Riêng

5 - 2022

9

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang, sầu riêng đang hút hàng và được thương lái thu mua với giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tùy loại và địa bàn, tăng gấp 03 lần so với tháng cuối năm 2021. Đây là đợt tăng giá mạnh đối với sầu riêng - một trong những cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, sản lượng sầu riêng hiện nay chưa nhiều do các vườn sầu riêng đang vào thời kỳ trổ hoa, xổ nhụy, khoảng vài tháng tới mới tới đợt thu hoạch rộ.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, giá sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang giảm xuống chỉ còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, bà con lỗ nặng. Do vậy, việc sầu riêng hút hàng, giá tăng mạnh mang lại niềm phấn khởi chung cho nông dân vùng chuyên canh trước triển vọng một vụ thu hoạch mới bội thu bù đắp phần nào những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Ông Nguyễn Văn Ghi, canh tác 3.500m2 sầu riêng giống Ri6 tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy chia sẻ, nông dân địa phương trồng phổ biến hai giống sầu riêng chủ lực là Ri6 và Mongthong chất lượng cao. Tuy nhiên, tùy theo giống sầu riêng, thời gian cho thu hoạch khoảng 03 tháng (đối với Ri6) hoặc 03 tháng 10 ngày (đối với Mongthong) kể từ khi trổ hoa. Việc nông dân áp dụng phổ biến kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, sầu riêng có thể cho thu hoạch gần như quanh năm, tùy thời điểm mà có sản lượng nhiều hoặc ít. Tuy nhiên, trong thời gian này, hầu hết các khu vườn sầu riêng đều chưa tới lứa thu hoạch. Trong khi với năng suất bình quân 25 tấn/ha, mỗi ha sầu riêng thu hoạch đúng vào thời điểm hiện nay sẽ cho lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, trồng 2.000m2 sầu riêng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cũng cho biết, những ngày qua, thương lái đến tận vườn tìm mua sầu riêng, nhưng vườn nhà ông nói riêng, khu vực xã Cẩm Sơn nói chung chưa có sản phẩm tham gia thị trường. Dự kiến phải đến tháng 3 âm lịch trở đi, tại địa phương, sầu riêng mới vào đợt thu hoạch rộ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng trên 14.000 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây là: Huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước, thị xã Cai Lậy; trong đó, riêng huyện Cai Lậy có diện tích lớn nhất, khoảng 9.000 ha. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho trái "Sầu riêng Cai Lậy" tại tỉnh Tiền Giang. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị của sản phẩm trái cây đặc sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha và giá bán dao động trong khoảng từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, nông dân thu lãi ròng từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho mỗi ha, cao nhất so với các cây ăn trái đặc sản khác của địa phương như: Thanh long, bưởi da xanh hoặc lúa năng suất cao, rau màu…

Tuy nhiên, do chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, nên giá tiêu thụ sầu riêng của tỉnh cũng hết sức bấp bênh. Trong năm, có nhiều đợt tăng giá rồi sụt giảm, mất giá đan xen nhau khiến nhà vườn trồng sầu riêng luôn lo lắng trước nguy cơ "được mùa - mất giá". Gần đây, tiêu thụ nội địa khá mạnh qua mạng lưới thương lái bán lẻ cũng thiết thực mở ra hướng khả thi về tháo gỡ nút thắt đầu ra cho trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang.

Theo tiengiang.gov.vn


Tin Khác

Tiêu tuyến trùng - Giá trị trường tồn

Tại Việt Nam có rất nhiều loài quế, cây quế được trồng và khai thác ở một số địa danh nổi tiếng như Thanh Hóa, Nghệ An, Trà My – Quảng Nam. Sản phẩm chính từ quế được mua bán là vỏ quế, bột quế và tinh dầu quế. Thành phần hoạt tính trong quế là Cinnamaldehyde và eugenol. [...]

Xem chi tiết