Phòng trừ bệnh sưng rễ cây rau họ thập tự

1. Triệu chứng gây hại của bệnh sưng rễ

- Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây (rễ chính, rễ bên). Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh. Cây sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biều hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân héo rũ kể cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt héo bạc và cây bị chết hoàn toàn.

- Nấm bệnh tấn công vào vùng rễ, gây biến dạng làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng  và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loại nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen của toàn bộ rễ cây.

  

 Triệu chứng bệnh sưng rễ cải bắp giai đoạn cây nhỏ và cây lớn

 

Nông dân đang phá bỏ vườn cải bắp 30 ngày sau trồng do bị bệnh sưng rễ

2. Nguyên  nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

-  Bệnh do nấm Plasomodiophora brassicae. W gây ra.

- Nấm bệnh là loài nấm cổ sinh đơn bào (không có nhánh, sợi nấm) và là loài nấm ký sinh bắt buộc. Chúng chỉ phát triển và sinh sản trong tế bào ký chủ còn sống mới hoàn tất vòng đời. Nấm có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng  bào tử tĩnh, cũng có thể lâu hơn. Tuy nhiên, bệnh chỉ tấn công gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt >109 bào tử/1g đất.

- Khi phát triển trong cây, bào tử động tiếp tục được hình thành ở pha thứ cấp và tấn công những cây bên cạnh hoặc di chuyển, phát tán xa hơn. Bào tử tĩnh được hình thành rất nhiều trong tàn dư cây bệnh và giải phóng ra đất khi rễ cây bị phân huỷ (thối đen, mục). Nấm bệnh không lây lan qua hạt giống nhưng lây nhiễm gián tiếp qua hạt giống trong quá trình sản xuất và vận chuyển hạt giống.

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện pH thấp < 6, ẩm độ đất >80%, nhiệt độ 18 – 200C.

3.Biện pháp phòng trừ

3.1 Biện pháp canh tác

- Sử dụng cây giống sạch bệnh (cây giống mua từ các vườn ươm đã áp dụng các biện pháp xử lý đất phòng ngừa bệnh sưng rễ bằng Biobac 50WP hoặc Geckko 20SC, cây giống xuất vườn không có triệu chứng nhiễm bệnh).

            - Bón phân cân đối và hợp lý, không bón phân chuồng chưa hoai mục.

            - Luân canh với các cây trồng khác họ thập tự như khoai tây, cà rốt, cà chua…

            - Bón vôi để độ pH đất đạt từ 6 – 7

          Lượng vôi cần bón để điều chỉnh độ pH đất đến trung tính

pH  của đất

4.5

5.0

5.5

6.0

6.5

7.0

Lượng vôi (Kg/1000m2)

750

550

500

350

250

200

3.2. Biện pháp vật lý cơ giới

- Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và nhổ bỏ tập trung các cây nhiễm bệnh để tiêu huỷ: đốt (dùng dầu gasoil đốt các rễ/củ, tàn dư cây bệnh) chôn vào hố đào sẵn (hố đào xa nguồn nước, rải vôi vào hố, vào chỗ cây đã nhổ bỏ) hoặc ủ composting. Không để cây bị nhiễm bệnh thối mục trên ruộng (nhổ sớm trước khi củ thối đen).

- Tuyệt đối không vứt bỏ cây bị nhiễm bệnh lên bờ, xuống mương suối hoặc nguồn nước.

- Tàn dư thực vật sau thu hoạch: Thu gom toàn bộ rễ cây họ thập tự sau thu hoạch để tiêu huỷ bằng phương pháp đốt, chôn hoặc ủ phân composting.

3.3. Biện pháp hóa học

- Để phòng trừ bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự, có thể sử dụng một số sản phẩm như Athuoctop 480Sc, Copperion 77WP.

+ Liều lượng sử dụng: Athuoctop 480SC pha 20ml/16l, Copperion 77WP pha 25g/16l lượng nước phun 500-700 lít/ha, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.